Độ tuổi học bơi cho bé, quy trình dạy trẻ bơi

Bơi lội không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, thúc đẩy sự phát triển chiều cao của trẻ mà còn là một kỹ năng sinh tồn trẻ cần phải biết. Vậy độ tuổi học bơi cho bé khi nào phù hợp nhất? Quy trình dạy bơi cho trẻ ra sao? Mời các bậc phụ huynh cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết này.

Khi nào thích hợp bắt đầu học bơi cho bé

Ở mỗi độ tuổi khác nhau, nhận thức và khả năng bơi lội của trẻ cũng khác nhau. Do đó, thời điểm thích hợp nhất để cho bé bắt đầu học bơi chính là thời điểm mà bé cảm thấy sẵn sàng.

Độ tuổi học bơi cho bé phù hợp nhất

Độ tuổi học bơi cho bé phù hợp nhất

Giai đoạn sơ sinh

Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh trên thế giới chọn cho trẻ học bơi từ giai đoạn sơ sinh. Khoa học chứng minh rằng: ở những năm tháng đầu đời, trẻ khá nhạy cảm với môi trường nước. Vì trước khi ra đời, trẻ đã có thời gian hơn 9 tháng phát triển ở môi trường nước ối trong bụng mẹ.

Thử nghiệm dạy bơi thực tế ở trẻ sơ sinh cũng cho thấy: trong giai đoạn này các bé có thể nổi trong nước như một bản năng. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ nuôi dạy con theo kiểu truyền thống tỏ ra khá e ngại về vấn đề này.

Giai đoạn trẻ nhỏ

Một nghiên cứu do Viện nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) chỉ ra rằng: Trẻ em dưới 4 tuổi chưa đủ các kỹ năng cần thiết cho việc học bơi. Do đó, độ tuổi tốt nhất để cha mẹ cho bé học bơi là từ 5 tuổi trở lên.

Ở tuổi này, trẻ đã bắt đầu có nhận thức và hiểu rõ thói quen cũng như sở thích của mình. Điều này cũng giúp trẻ dễ dàng hợp tác với giáo viên trong quá trình giảng dạy.

Từ 5 tuổi trở lên, ngoài các kiểu bơi đơn giản, cha mẹ cũng có thể hướng con em mình tìm hiểu các kỹ năng bơi khó hơn như bơi ếch, bơi sải…

Lợi ích của học bơi cho bé

Bơi lội mang tới nhiều lợi ích cho trẻ cả về mặt thể chất lẫn tinh thần:

  • Tăng cường sức khỏe, phát triển chiều cao: Giống như việc luyện tập thể dục hàng ngày, bơi lội giúp trẻ có một cơ thể dẻo dai và khỏe khoắn; đồng thời bộ môn này cũng được đánh giá là một giải pháp phát triển chiều cao vô cùng hiệu quả.
  • Rèn luyện tinh thần tập thể: Trong quá trình học bơi, trẻ không chỉ phối hợp cùng các giáo viên mà còn có cơ hội làm quen thêm bạn mới. Từ đó, phát triển các kỹ năng trong hoạt động tập thể và rèn luyện tinh thần làm việc nhóm.
  • Đảm bảo an toàn khi xuống nước: Rèn luyện kỹ năng bơi lội giúp trẻ phòng ngừa những trường hợp rủi ro như đuối nước, sặc nước… Ngoài ra, trẻ cũng có thể theo con đường bơi lội chuyên nghiệp nếu có đủ kỹ năng và năng khiếu.

Quy trình học bơi cho bé

Trên thực tế, không thể xây dựng và áp dụng một quy trình học bơi riêng cho tất cả các bé. Bởi vì, khả năng tiếp thu và năng khiếu của mỗi trẻ là khác nhau. Tuy nhiên, nếu muốn tìm giải pháp thích hợp nhất cho con em mình, các bậc phụ huynh có thể tham khảo quy trình sau:

Với sự phát triển của các ngành dịch vụ hiện nay, không khó để các bậc phụ huynh có thể tìm được một trung tâm dạy bơi cho trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ nên tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định trung tâm nào.

Một số yếu tố cần cân nhắc khi chọn trung tâm bơi là:

  • Cơ sở vật chất đầy đủ: khu vệ sinh, khu tắm rửa, các vật dụng như phao bơi, phao cứu sinh, bục lên xuống…;
  • Bể bơi có khu vực dành riêng cho trẻ em với độ sâu an toàn, phù hợp với chiều cao của trẻ;
  • Có chất lượng nước đảm bảo, không chứa vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh;
  • Có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp: đội ngũ giáo viên có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ và kinh nghiệm; đội ngũ cứu hộ đã qua huấn luyện, đào tạo, có khả năng phản ứng nhanh khi sự cố xảy ra.
Các bước tập bơi dành cho bé

Các bước tập bơi dành cho bé

Phương pháp học bơi phù hợp

Tùy vào độ tuổi và năng khiếu của trẻ, các chuyên gia áp dụng phương pháp học bơi riêng. Phương học bơi phù hợp nhất đối với trẻ nhỏ là đưa trẻ tới các trung tâm đủ điều kiện và chọn giáo viên có đủ chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy.

Đầu tiên, các bé cần có thời gian làm quen với môi trường nước. Trước khi xuống nước, nên cho bé thực hiện các thao tác khởi động nhẹ nhàng giúp thả lỏng cơ thể.

Tiếp đó, bắt đầu hướng dẫn trẻ cách đạp chân dưới nước. Hai tay bám vào thành hồ bơi hoặc giáo viên hỗ trợ giữ thăng bằng phần giữa cơ thể làm điểm tựa để trẻ tập đạp chân.

Sau khi trẻ biết cách đạp chân dưới nước, người hướng dẫn bắt đầu cho trẻ tập hô hấp dưới nước bằng cách cho trẻ úp mặt xuống nước và hướng dẫn trẻ thở ra từ từ tạo thành các bọt nước. Khi thực hiện động tác này, người hướng dẫn cần nắm bắt tốt kỹ thuật và thời gian tránh trường hợp khiến trẻ bị ngạt nước.

Cuối cùng, tập cho trẻ cách quạt tay dưới nước. Người hướng dẫn vòng tay và giữ ngang phần hông của trẻ giúp trẻ giữ cân bằng trên mặt nước. Sau đó, hướng dẫn trẻ các động tác quạt tay phối hợp cùng động tác chân và điều hòa hơi thở.

Khi nắm vững thao tác, bạn sẽ cho trẻ bơi những đoạn ngắn và quan sát. Nếu trẻ chưa thành thạo thao tác nào, người hướng dẫn cho trẻ luyện tập lại thao tác đó.

Kế hoạch học bơi

Khi dạy bơi cho trẻ cần xây dựng một kế hoạch học bơi chi tiết, tuân theo một số nguyên tắc sau:

  • Kiểm soát thời gian học bơi của trẻ trong ngày không kéo dài quá 30 – 40 phút (đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên), khoảng 10 – 20 phút (đối với trẻ sơ sinh);
  • Chuẩn bị đầy đủ các loại dụng cụ bổ trợ như quần áo bơi, mũ bơi, kính bơi, phao bơi…trước khi cho trẻ xuống nước;
  • Không nên cho trẻ học bơi trong một lớp quá đông. Điều này có thể khiến các giáo viên không theo dõi được hết quá trình tập luyện của trẻ;
  • Sau khi ra khỏi bể bơi, cần tắm rửa sạch sẽ và thay quần áo mới cho trẻ tránh nguy cơ gây bệnh từ vi khuẩn trong nước bể bơi.

Kết luận.

Bơi lội là kỹ năng cơ bản và cần thiết cho trẻ. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, phương pháp tập bơi dành cho trẻ sẽ khác nhau. Vì vậy, độ tuổi học bơi cho bé không bị giới hạn. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vẫn nên khuyến khích con em mình học bơi càng sớm càng tốt nhé!